Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy tại “Hội nghị về giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí” tổ chức ngày 24/9, tại Hà Nội.
Chỉ đáp ứng khoảng hơn 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, trong những năm vừa qua, được sự quan tâm của Chính phủ, công nghiệp cơ khí Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2017, số lượng doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh là khoảng 25.014 doanh nghiệp, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo; với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh là 1.465.008 tỷ đồng và tạo việc làm cho khoảng 1.123.545 lao động, chiếm gần 16% tổng số lao động trong các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo (theo Niên giám Thống kê Việt Nam năm 2018). Trong nước đã có hệ thống các nhà máy cơ khí với đủ các quy mô lớn nhỏ. Tại một số địa phương, vùng kinh tế đã manh nha mô hình cụm ngành (cluster) về ngành chế tạo (như khu phức hợp cơ khí Chu Lai – Quảng Nam…). Bên cạnh đó, ngành cơ khí cũng đã hình thành một số doanh nghiệp có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực.
Hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, ô tô và phụ tùng ô tô. Số liệu thống kê cho thấy, ba phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra các hạn chế, yếu kém còn tồn tại của ngành cơ khí hiện nay. Cụ thể, sản phẩm cơ khí Việt Nam chỉ có rất ít thương hiệu trong nước. Các doanh nghiệp cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ, có năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh. Chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành cao, tính cạnh tranh kém, gần như chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực trong ngành đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Thậm chí, trình độ cơ khí chế tạo (là trụ cột của sản xuất công nghiệp), đặc biệt là cơ khí chính xác còn lạc hậu so với nhiều nước từ 2 – 3 thế hệ. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có các doanh nghiệp cơ khí lớn mang tầm cỡ khu vực và quốc tế đóng vai trò dẫn dắt ngành. Công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm phần lớn phụ thuộc vào các hãng nước ngoài.
“Ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất cơ khí nội địa rất khó trở thành nhà thầu phụ cung cấp máy móc, thiết bị cho các dự án đầu tư lớn được triển khai nhiều trong giai đoạn vừa qua (ngành nhiệt điện, thép, hóa chất, hạ tầng giao thông)...” – Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị |
Trong khi đó, khả năng tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị cơ khí còn rất hạn chế. Theo Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ có khoảng dưới 40% doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước mới chỉ là các doanh nghiệp cung ứng cấp 3, 4 cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Sản phẩm cung ứng chủ yếu là các linh kiện, vật tư đơn giản, có giá trị thấp (bao bì đóng gói, các chi tiết đơn giản…)
Tính đến hết năm 2017, mặc dù tỷ lệ số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành cơ khí trên tổng số doanh nghiệp các ngành chế biến chế tạo khá cao (gần 30%), tuy nhiên tỷ lệ giá trị doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành cơ khí so với toàn ngành chế biến, chế tạo khá thấp và có xu hướng giảm qua các năm (hơn 18%). Điều này chứng minh hiệu quả đầu tư của toàn ngành cơ khí nhìn chung chưa cao, chưa thể hiện vai trò là nền tảng cho phát triển công nghiệp. Các phân ngành cơ khí quan trọng như: thiết bị toàn bộ, máy động lực, cơ khí phục vụ nông–lâm–ngư nghiệp và công nghiệp chế biến, máy công cụ, cơ khí xây dựng, cơ khí đóng tàu thủy, thiết bị kỹ thuật điện – điện tử và cơ khí ô tô – cơ khí giao thông vận tải đạt kết quả thấp so với chiến lược phát triển ngành cơ khí đã đề ra.
Thủ tướng Chính phủ Nguyến Xuân Phúc thăm gian hàng cơ khí tại hội nghị |
Đề xuất giải pháp “gỡ” điểm nghẽn
Theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, dù lượng nhập khẩu lên tới hàng chục tỷ USD trang thiết bị, máy, vật tư sản xuất cho toàn nền kinh tế mỗi năm nhưng ngành cơ khí nội địa Việt Nam lại ít được chia phần từ miếng bánh này.
Lý do mà ông Long đưa ra là vì doanh nghiệp cơ khí nội địa đã luôn phải “tự bơi”, phải theo cơ chế xin – cho, ít đơn hàng đầu tư công và luôn bị doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh quyết liệt. Bên cạnh đó là điểm nghẽn từ các yếu tố “vĩ mô”, đơn cử như việc quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp, kinh tế, dịch vụ chậm được ban hành, sử dụng vốn đầu tư công còn chưa hợp lý… nên sản phẩm của cơ khí Việt Nam hầu như mất thị trường nội địa, ngày càng khó cạnh tranh trong và ngoài nước.
Chưa có các chính sách, quy định và biện pháp quản lý nhà nước hiệu quả nhằm kiểm soát hàng hóa đã qua sử dụng, máy, thiết bị giá rẻ, lạc hậu tràn vào Việt Nam để bảo vệ thị trường nội địa cho doanh nghiệp trong nước.
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, ông Trần Bá Dương- Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) kiến nghị, hiện nay chính sách thuế nhập khẩu đang tồn tại bất cập rất lớn, đó là thuế suất nhập khẩu nguyên liệu, vật tư đang cao hơn thuế suất nhập khẩu linh kiện và thành phẩm, dẫn đến sản phẩm sản xuất trong nước chưa thể cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Do vậy, kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành xem xét: miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được để giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp ôtô và cơ khí. Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội trong năm nay sớm ban hành chính sách không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng ô tô sản xuất trong nước nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ôtô và công nghiệp cơ khí trong nước.
Đề cập giải pháp về liên kết các doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, ông Trần Bá Dương cho rằng, cần triển khai các chương trình kết nối kinh doanh nhằm tăng cường liên kết, liên doanh giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp lớn trên thế giới để tạo dựng thị trường, tiếp cận, đầu tư đổi mới công nghệ, tiêu chuẩn hóa sản phẩm và tham gia chuỗi giá trị với các sản phẩm có lợi thế, đáp ứng nhu cầu trong nước và đủ sức cạnh tranh để xuất khẩu.
Đồng tình quan điểm trên, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công cũng kiến nghị áp dụng các gói tín dụng dành cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Cụ thể, tháng 4/2019, Bộ Công Thương đã đề xuất nhiều giải pháp về chính sách và phát triển thị trường cho công nghiệp hỗ trợ, trong đó việc hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp CNHT là rất cần thiết và sẽ mang lại nhiều giá trị nâng cao cho sản xuất trong nước. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất các gói hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp CNHT và rất hi vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho ngành ôtô nhận được những hỗ trợ kịp thời để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Tập trung các giải pháp mạnh
Để gỡ khó cho ngành cơ khí, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải phát triển được một nền công nghiệp cơ khí từng bước hiện đại, làm nền tảng cho các ngành sản xuất công nghiệp-dịch vụ khác. Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của tất cả các doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học. “Đặc biệt, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi hơn, khuyến khích hơn đối với ngành cơ khí nhằm tạo các cơ chế, chính sách khuyến khích đối với ngành cơ khí, tạo môi trường thuận lợi để huy động nguồn lực phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong thời gian tới” – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu yêu cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi các giải pháp phát triển ngành cơ khí Việt Nam. |
Trước yêu cầu trên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong giai đoạn tiếp theo, ngành cơ khí Việt Nam hướng đến mục tiêu tổng quát, đến năm 2035, phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước.
“Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các Hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan liên quan tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại, chống gian lận thương mại, hàng giả, hoàn thiện các hàng rào kỹ thuật nhằm minh bạch hóa, bảo vệ và phát triển thị trường cho ngành sản xuất cơ khí trong nước; tiếp xúc hỗ trợ xúc tiến kết nối thị trường cho các doanh nghiệp có cơ hội tận dụng thị trường xuất khẩu từ các FTAs mà Việt Nam đã ký kết”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chính sách phải “đi tắt đón đầu” để cơ khí phát huy lợi thế người đi sau trong bối cảnh hội nhập”.
Theo đó, ngành cơ khí phải đổi mới tư duy về đầu tư phát triển ngành và giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng, đề xuất các chính sách phát triển thị trường cho ngành cơ khí, trong đó chú trọng ngành sản xuất lắp ráp ôtô, cơ khí phục vụ nông nghiệp và việc ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước đối với các ngành cơ khí xây lắp, thiết bị toàn bộ. Trên cơ sở đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghiệp, bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh để phát triển các sản phẩm cơ khí trong nước.
“Điều quan trọng, tận dụng tốt lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do nhằm đa dạng hoá và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm cơ khí trong nước” – Thủ tướng lưu ý.
Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi, hỗ trợ quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 5/11/2015 và Chương trình phát triển CNHT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 nhằm thúc đẩy phát triển CNHT ngành cơ khí.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận hội nghị |
Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan. Đặc biệt, quy định chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các dự án sản xuất quy mô lớn các sản phẩm cơ khí trọng điểm, cơ chế mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, thương hiệu để hình thành các doanh nghiệp lớn dẫn dắt ngành cơ khí; Quy định một số chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các dự án sản xuất, lắp ráp ôtô lớn (bao gồm cả ôtô sử dụng nhiên liệu hóa thạch và ôtô điện), như hỗ trợ về hạ tầng, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực…
“Bộ Công Thương tập trung nghiên cứu tổng kết quá trình thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tại Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 29/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ nhằm mở rộng thị trường cho ngành cơ khí chế tạo trong nước các thiết bị các nhà máy nhiệt điện” – Thử tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất hoàn thiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trình cấp có thẩm quyền ban hành làm cơ sở để phát triển ngành cơ khí Việt Nam, trong đó tập trung vào các chính sách trực tiếp hỗ trợ về thị trường tín dụng, khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực cho ngành cơ khí cũng như các chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp; tiến hành xây dựng và đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định về phát triển các ngành cơ khí trọng điểm năm 2020.
Khánh Hà (nguồn: theo Lan Anh- Bùi Hùng, https://congthuong.vn)